Qua nhiều thế kỷ, các thiền sư cho rằng không nên vứt bỏ những bình gốm và bát sứ đã bị tổn thương. Dù chúng hư hỏng như thế nào đi chăng nữa, chúng vẫn cần nhận được sự tôn trọng và có thể được chữa lành nếu ta đặt đủ tâm huyết vào việc đó.
Quá trình sửa chữa ấy chính là biểu tượng của sự hàn gắn vết thương qua thời gian. Và triết lý đó được khái quát bằng một từ: “Kintsugi – 金継ぎ” hay “Kintsukuroi – 金繕い” trong đó “kin” có nghĩa là vàng, và “tsugi” là hàn gắn – là một kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản xuất hiện từ thế kỷ 15, được sử dụng để phục hồi những món đồ gốm bị hư hại. Về cơ bản, sau khi gắn các chỗ nứt vỡ bằng sơn mài, người thợ sẽ phủ lên trên đường vá một lớp bột vàng, bạc hoặc bạch kim để tăng tính thẩm mỹ cho món đồ.
—————————-
*️⃣ Cách đối xử của chúng ta với những vết nứt
Những câu chuyện nhỏ về Kintsugi cũng tiết lộ cho con người hiện đại một phương pháp để đối diện với những thất bại trong quá khứ. Trong xã hội tôn thờ cái mới, tôn thờ sự thành công và mỹ mãn, đã đến lúc ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn với những điều bị cho là cũ kỹ và thiếu sót. Những lần bị tổn thương trong đời được lấp đầy bởi sự tự tin hay sự đau khổ lại nằm ở chính quyết định của bạn. Lựa chọn đứng lên và học hỏi từ những gì mình đã trải qua, ta có quyền tự hào rằng mình cũng có những vết nứt bằng vàng lấp lánh. Bạn đang trở nên mạnh mẽ và tốt đẹp hơn từng ngày nhờ những vết nứt đó.
Kintsugi giúp chúng ta chấp nhận rằng, mình không hoàn hảo và người khác cũng thế, không cần phải xấu hổ với những chuyện đã qua, bởi mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Thay vào đó ta nên biết trân trọng và biến nó thành điểm nhấn cho “chiếc bát cuộc đời”.
——————————
1️⃣ Học cách kết nối và trân trọng các mối quan hệ
Thực hành Kintsugi trong đời sống nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên hệ với những người xung quanh. Hãy dành thời gian cho bạn bè, gia đình, bởi họ là những người sẽ luôn ở bên giúp đỡ và dành cho bạn những điều tốt đẹp nhất. Việc hàn gắn các đồ vật này còn giúp người Nhật biểu hiện thái độ tôn trọng đối với các mối quan hệ xung quanh. Có yêu quý nhau mới lưu giữ các kỷ niệm dù cho đã hư, vỡ.
2️⃣ Lấy khó khăn làm cơ hội
Cuộc sống luôn tồn tại những ngã rẽ không ngờ, chúng ta sẽ có lúc phải đối mặt với khó khăn và đau khổ. Mất việc, mối quan hệ tan vỡ, ốm đau hay mất người thân hay bất cứ điều gì bạn đang gặp phải. Hãy tâm niệm đó chính là trải nghiệm, giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn trên đường đời.
3️⃣ Học cách cân bằng
Nghệ thuật Kintsugi chính là khôi phục bằng sự cân bằng, để các mảnh vỡ hoàn toàn khớp vào nhau. Hãy dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân và tôn trọng những gì cơ thể bạn cần, bắt đầu từ sự cân bằng trong chế độ ăn uống, đến cân bằng thời gian biểu trong sinh hoạt, học tập, công việc và vui chơi giải trí.
4️⃣ Hàn gắn là cách tự yêu chính mình
Những tổn thương chúng ta chịu đựng như những vết nứt món đồ gốm, bởi điều đó là sự thật – chúng ta là những cá thể mỏng manh. Và vì vậy, “cả đồ gốm và cuộc sống đều có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng đó không nên là lý do để ta dừng việc sống thật trọn vẹn, làm việc hết sức và nuôi dưỡng tất cả những hy vọng, ước mơ của bản thân”.
5️⃣ Đừng tự ti với những khuyết điểm
Nghệ thuật Kintsugi mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống rằng những vết sẹo, những tổn thương, những vỡ vụn là thứ không cần phải giấu đi, bởi chẳng có ai sống trên đời này mà không phải trải qua những điều đó. Kintsugi thể hiện triết lý trân trọng những sai lầm và những điều không hoàn hảo, không trọn vẹn trong cuộc đời này. Không phải sửa chữa để nhằm che giấu những chỗ hỏng trên đồ vật, ngược lại họ muốn phơi bày những khuyết điểm đó một cách trần trụi nhất có thể, từ đó biến nó thành ưu điểm của mình, nâng giá trị của các sản phẩm lên một tầng cao mới.