Có một người từng năm lần bảy lượt nhờ tôi khâu lại chiếc áo khoác cũ bị rách, nhưng tôi từ chối. Họ viện đủ lý do: đó là chiếc áo họ thích nhất, không thể tìm được một cái áo khác có kiểu dáng tương tự như vậy,… Và tôi cũng viện đủ lý do để từ chối. Rõ ràng có rất nhiều kiểu áo hiện đại bây giờ tốt hơn rất nhiều, thậm chí họ hoàn toàn có thể nhờ người khác hoặc mang đến tiệm sửa sẽ tốt hơn. Vì tôi từng may chiếc áo đó một lần, nhưng bây giờ không có danh nghĩa gì để may nữa. Thế nên, dù không ai nói ra, tôi vẫn hiểu rất rõ ý đồ của họ, nhưng tôi cố tình lơ đi vờ như không hiểu.
Dĩ nhiên, cuộc sống rất bận rộn, không phải ai cũng đủ thời gian và tinh tế để hiểu tường tận bạn muốn gì. Lúc đó thay vì mất công mất sức nghĩ ra cả trăm câu chuyện gián tiếp thì chọn ra một câu nói trực tiếp để bày tỏ thẳng các vấn đề với nhau.
Miễn là lựa chọn thời điểm thích hợp để không khiến cả bản thân và người khác khó hiểu. Còn nếu bạn đã bày tỏ thành thật, không chỉ một mà nhiều lần, thì hãy xem xét và suy nghĩ lại.
Thế nên bạn biết rồi đấy. Có một cái lỗi sai, bạn nhắc hoài người ta không sửa. Câu chuyện ngụ ý mà bạn kể quá ba lần vẫn nghĩ là người ta quên. Thật ra vì họ không muốn để tâm đến nữa. Vậy nên đừng mất thời gian hi vọng quá nhiều. Rõ là người ta không muốn tiếp nhận điều đó, càng không muốn gây khó xử cho cả hai, lảng tránh chính là biện pháp giải quyết của họ.
Còn chuyện tiếp tục kiên trì, thay đổi cách tiếp cận cho họ hiểu hay từ bỏ, hoàn toàn nằm ở quyết định của bạn. Khi bạn không thể thay đổi họ, hãy thay đổi suy nghĩ của chính bạn trước.