Có người cho rằng tiền chưa chắc mua được hạnh phúc, thời gian, tình yêu và sức khỏe. Có người phản bác chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về vật chất thì mọi vấn đề trong cuộc sống đều trở nên dễ dàng hơn. Thật ra tất cả mọi ý kiến đồng tình hay trái chiều đều không sai, và nó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, chẳng có bất cứ thứ gì là tuyệt đối. Vậy nên mới nói, tùy vào từng trường hợp mà mức độ quan trọng của đồng tiền khác nhau và nó không phải duy nhất mà còn cần thêm nhiều yếu tố khác.
Khi có gia đình, tiền trở thành một yếu tố cần, không chỉ là đủ. Nhiều cặp đôi yêu nhau suốt bao nhiêu năm, một tình yêu màu hồng mơ đến một mái ấm màu hồng. Nhưng không ít người phải vỡ mộng khi bước vào cuộc sống hôn nhân mà vấn đề dẫn đến tranh cãi hoặc tan vỡ lớn nhất vẫn là chuyện “cơm áo gạo tiền”.
Cuộc sống giữa hai người còn có thể đơn giản, nhưng đến khi xuất hiện thêm thành viên thứ ba, thứ tư nó lại là chuyện khác. Từ giai đoạn thai kì đã bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề hỗ trợ cho cuộc hành trình của mẹ và bé được chuẩn bị tốt hơn. Sau đó đến nuôi dạy các con khôn lớn. Chỉ đến khi ở vị trí của bố mẹ, bạn mới hiểu nỗi lo lớn nhất của bố mẹ là sợ con cái tủi thân khi không được bằng bạn bằng bè.
Có thể tiền không mua được sức khỏe, nhưng lại là “công cụ” để đi tìm, chế tạo và duy trì những phương pháp chữa trị các vấn đề về sức khỏe không chỉ của con người mà còn của vật nuôi,… Đặt chân vào bệnh viện đã phải cân đo đong đếm với tiền viện phí và sức khỏe của người thân chính là điều đau lòng nhất mà không một ai muốn gặp phải trong đời. Có người thuở nghèo khó chỉ vì không đủ tiền chạy chữa bệnh tình cho người thân có điều kiện tốt nhất mà phải chứng kiến sự ra đi của họ trong bất lực, ân hận vì bản thân chưa đủ cố gắng, vì cuộc đời bất công.
Là lúc bạn không còn muốn chấp nhận cuộc sống của mình cứ mãi dậm chân tại chỗ. Bạn bè xung quanh người đã tự mua được nhà riêng, lên đời chiếc ô tô đời mới đưa cả nhà đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần, có trong tay khối tài sản đáng mơ ước ở tuổi 25 và một cuộc đời thành công nhiều người ngưỡng mộ ở tuổi 30. Lúc này trong đầu bạn sẽ hiểu được rằng “Tiền thật sự quan trọng”.
Dù đó không phải là tất cả nhưng lại là thứ chính yếu để bạn có thể mua được nhà, xe và làm vốn phát triển thêm nhiều khía cạnh khác của bản thân. Là thứ bạn có thể dùng để có những bữa ăn, cuộc gặp gỡ để tạo dựng và duy trì các mối quan hệ từ “bình dân” đến cấp cao.
Câu trả lời chung khi được hỏi: “Khi nào bạn thấy tiền quan trọng?” Mọi người đều trả lời: “Khi cần!”
Vậy theo bạn, khi nào chúng ta thật sự cần đến đồng tiền và thấy nó quan trọng hơn những thứ khác?