Chán nản, thất vọng là cảm xúc tiêu cực sẽ khiến bạn mất định hướng, khó đạt được mục tiêu trong mọi việc. Dù là lĩnh vực học tập, công việc hay trong cuộc sống, chỉ khi bạn có thể tự tạo động lực cho bản thân thì mới có thể thành công.
Ngay cả khi đang rơi vào tình trạng thất nghiệp thì bạn vẫn có một “công việc” full-time chính là tự trở thành CEO của cuộc đời mình. Suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 cũng như cạnh tranh trên thị trường lao động đã khiến nhiều người lao đao và dễ mất đi niềm tin vào chính mình. Bên cạnh đó, cũng có những người làm gì cũng thất bại, không được thăng tiến như ý hoặc tệ hơn phải chấp nhận làm việc tạm bợ qua ngày, ngày càng mất đi đam mê của bản thân.
Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống này quá khắc nghiệt và không công bằng với bản thân vì dù cố gắng thế nào thì cũng vẫn ở rất xa vị trí mà mình mơ ước? Tuy nhiên, trên thực tế thì việc than thở “Tại sao lại là mình?”, “Tại sao chuyện này chỉ xảy ra với mình?”, v.v. chẳng mang lại điều gì ngoài sự nản chí và lãng phí thời gian. Thay vào đó, hãy phát huy vai trò của một CEO và đưa “công ty” bạn trở lại đúng hướng.
Áp lực của việc bị thất nghiệp hoặc không thành công có thể khiến bạn ngày một chán nản, lo sợ, thiếu tự tin và dần tiêu cực hơn. Nếu để những cảm xúc tiêu cực này lấn át chính mình thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị gục ngã trước khi thay đổi và khởi sắc hơn. Do đó, duy trì tinh thần lạc quan, lối sống tích cực cũng như đặt niềm tin vào bản thân chính là chìa khóa để bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Hãy học hỏi những cách sau:
- Tự “thôi miên” bản thân: Bạn sẽ không thể khá hơn (chứ chưa nói đến thành công) nếu cứ mãi cho rằng mình là “loser”, là kẻ thất bại. Thay vào đó, hãy tự nói với mình rằng mình rất tốt, mình vẫn đang cố gắng và mình sẽ thành công – cho dù chưa phải ngay lúc này nhưng cũng sẽ thành công một ngày không xa nếu không từ bỏ.
- Học cách sống chung với áp lực: Bạn phải hiểu rằng, không ai sống mà không có bất cứ căng thẳng nào nên bạn không ngoại lệ. Hãy dũng cảm đối mặt với vấn đề – dù là thất nghiệp hay thất bại trong kinh doanh, trong mối quan hệ nào đó… rồi sau đó bạn sẽ bình tĩnh và tìm cách vượt qua. Quản lý, kiểm soát áp lực cũng là việc mà người trưởng thành cần học được cách đối phó.
- Tin tưởng vào tương lai: Nếu như chính bạn còn không tin mình sẽ tốt hơn thì làm sao thuyết phục được người khác như nhà tuyển dụng, như sếp tin vào bạn?
- Nỗ lực học hỏi, tích lũy kiến thức và kỹ năng: Đừng để thời gian rảnh của bạn trở thành vô nghĩa và cũng đừng “dậm chân tại chỗ”. Để thành công, mọi người đều đang nỗ lực hàng ngày và bạn cũng không thể dừng lại. Học hỏi, rèn luyện thật nhiều sẽ giúp bạn tự tin, có niềm tin vững chắc hơn vào bản thân mình và tương lai.
- Cân bằng tốt cuộc sống cá nhân: Để mình không kiệt quệ và chán nản, bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần thì bạn nên cố gắng cân bằng cuộc sống – công việc, ngay cả khi đang đi tìm việc. Chăm sóc tốt cho mình cũng là một phần quan trọng trong quy trình thúc đẩy bản thân ngày một tiến bộ.